Dưới đây là 12 điều không nên tiết lộ tại nơi làm việc theo kết quả khảo sát của TalentSmart được đăng tải trên trang Business Insider:
1. Bạn ghét công việc của mình
Chẳng ai muốn nghe bạn than vãn rằng bạn ghét công việc của mình như thế nào. Điều đó cho thấy bạn là người tiêu cực, không phải một thành viên tốt của nhóm và sẽ làm giảm tinh thần.
Sếp sẽ rất nhanh nhạy trong việc tìm ra ai là thủ phạm khiến tinh thần đi xuống và cũng biết rằng luôn có các ứng viên đầy nhiệt huyết đang chờ đợi bên ngoài.
2. Bạn cho rằng một người nào đó không đủ năng lực
Tại công sở luôn có những người năng lực yếu và thông thường mọi người đều biết đó là ai. Nếu bạn không thể giúp họ cải thiện hay không có quyền sa thải họ, bạn cũng chả được gì khi “buôn dưa lê” về sự yếu kém của họ.
Việc bô bô về sự yếu kém của đồng nghiệp khiến cho hình ảnh của bạn xấu đi. Điều này cũng sẽ khiến bạn bị ám ảnh về những nhận xét tiêu cực của đồng nghiệp về mình.
3. Số tiền mà bạn kiếm được
Bố mẹ có thể muốn nghe về việc bạn kiếm được bao nhiêu tiền mỗi tháng. Nhưng việc chia sẻ điều đó ở nơi công sở chỉ gây ra phiền phức. Việc trả lương cho nhân viên không bao giờ công bằng tuyệt đối. Vì vậy, việc bạn tiết lộ mức lương của mình cho đồng nghiệp sẽ khiến họ so sánh.
Ngay khi mọi người biết về lương của bạn, mọi thứ bạn làm đều bị đem ra cân đo đong đếm với mức thu nhập đó. Việc "buôn dưa lê" chuyện lương lậu với đồng nghiệp cũng khá thú vị nhưng ngay sau khi làm vậy, bạn và anh/chị ta sẽ còn đi cùng đường nữa.
4. Chia sẻ về quan điểm chính trị, tôn giáo
Quan điểm về chính trị và tôn giáo của một người thường gắn liền với cái tôi của họ vì vậy, không nên đem điều đó ra bàn luận tại nơi làm việc. Việc phản đối quan điểm chính trị, tôn giáo của người khác có thể nhanh chóng khiến họ thay đổi nhận thức về bạn.
Phản đối giá trị cốt lõi của người khác là một trong những điều xúc phạm nhất. Mỗi người cảm nhận về các tôn giáo và có quan điểm chính trị khác nhau. Do đó, việc khăng khăng cho rằng các giá trị của bạn là đúng có thể khiến người khác thấy khó chịu. Thậm chí, tranh luận về các sự kiện nóng trên thế giới với quan điểm quá mạnh mẽ có thể cũng dẫn tới xung đột.
Con người sống với các lý tưởng và niềm tin của riêng mình và bạn không nên xem thường điều đó. Hãy luôn sẵn sàng lắng nghe về quan điểm và tín ngưỡng của người khác và đừng kết luận theo quan điểm của bạn. Quan điểm về chính trị và tín ngưỡng tôn giáo là thứ ăn sâu trong mỗi người. Việc phản đối sẽ chỉ khiến bạn bị đánh giá chứ không thể làm thay đổi quan điểm của họ.
5. Chia sẻ mọi thứ mình làm trên Facebook
Chẳng ông chủ nào muốn khi đăng nhập Facebook lại thấy những tấm hình tụ tập chè chén của bạn. Có rất nhiều cách khiến bạn trở nên xấu xí trên Facebook và để lại ấn tượng tồi tệ. Đó có thể là trang phục, người đi cùng hay thậm chí bình luận của bạn bè của bạn. Những điều nhỏ này có thể để lại ấn tượng xấu đối với sếp hay đồng nghiệp khi muốn giao cho bạn trọng trách hoặc thăng chức.
Đừng tự gây phiền phức khi chia sẻ chúng lên mạng xã hội. Hãy dùng LinkedIn là mạng “xã hội” trong công việc và Facebook cho những người khác.
6. Chia sẻ chuyện giường chiếu
Chuyện giường chiếu của bạn chả liên quan gì tới thế giới và không phải là điều nên được nói ở công sở. Những bình luận liên quan tới vấn đề đó có thể khiến một số người cười khoái trá nhưng lại khiến nhiều người khác thấy thiếu thoải mái hay thậm chí cảm thấy bị xúc phạm. Những chuyện riêng tư này sẽ ngay lập tức làm xấu hình ảnh của bạn.
7. Suy nghĩ của bạn về chuyện giường chiếu của người khác
Có tới 111% đồng nghiệp không muốn biết suy nghĩ của bạn về chuyện giường chiếu của người khác. Chắc chắn không có gì đáng sợ bằng việc một người biết được bạn nghĩ gì về chuyện phòng the của họ. Những suy nghĩ đó là của riêng bạn và hãy chỉ giữ chúng cho riêng mình.
8. Bạn chẳng quan tâm tới việc của người khác
Việc khăng khăng với đam mê trong công việc của bạn, vốn xung đột trực tiếp với lợi ích của người khác, sẽ bị coi là ích kỷ và thờ ơ với đồng nghiệp cũng như công ty.
Những nhân viên xuất sắc luôn muốn cả nhóm thành công chứ không chỉ riêng mình. Bất chấp động lực thực tế của bạn là gì (một số thường chỉ làm việc vì tiền), việc công bố những mục tiêu ích kỷ sẽ không bao giờ giúp bạn đạt được nó.
9. Chia sẻ về thời đại học thác loạn
Quá khứ có thể nói lên nhiều điều về bạn. Việc bạn làm điều gì đó kỳ quặc hoặc ngu xuẩn 20 năm trước sẽ khiến mọi người không tin vào những cải thiện của bạn ngày nay.
Một số hành vi điển hình thời đại học (say xỉn, trộm vặt, lái xe khi say xỉn, lạm dụng người khác…) sẽ khiến đồng nghiệp có đánh giá không tốt về bạn. Vì vậy, hãy giữ quá khứ “huy hoàng” cho riêng mình.
10. Bạn đã say xỉn tới mức nào
Nếu bạn cho rằng chia sẻ về việc bạn đã say xỉn tới mức nào trong cuối tuần vừa rồi không ảnh hưởng gì tới hình ảnh tại công sở, thì bạn đã nhầm.
Điều này không hề khiến người khác nghĩ rằng bạn hài hước. Thay vào đó, họ sẽ cho rằng bạn là người khó đoán, thiếu chín chắn và thiếu óc suy xét. Rất nhiều người có cái nhìn tiêu cực về thuốc phiện và rượu, vì vậy đừng dại chia sẻ việc bạn thích thưởng thức chúng như thế nào.
11. Nói đùa quá trớn
Hãy cẩn trọng với những gì bạn nói và những người bạn ám chỉ tới. Những câu đùa xúc phạm sẽ khiến người khác cảm thấy khinh khủng và khiến bạn trở nên vô cùng tệ hại. Điều này cũng tương tự với việc đùa nhạt.
Khi muốn đùa với ai, hãy cân nhắc sự phù hợp của nó với mức độ thân thiết của bạn với người đó. Nếu cảm thấy rằng họ có thể bị tổn thương vì câu đùa của bạn thì tốt nhất đừng nói ra.
12. Bạn đang tìm việc
Chia sẻ rằng bạn đang tìm việc cũng gây ra hậu quả tương tự như đùa quá trớn. Khi tiết lộ rằng mình đang chuẩn bị nghỉ việc, đột nhiên bạn sẽ trở thành kẻ gây lãng phí thời gian của người khác. Cũng có thể bạn sẽ không tìm được việc mới, vì vậy tốt nhất nên đợi đến khi tìm được rồi mới chia sẻ với mọi người.
Nguồn Anphabe.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét